Core i3 được đánh giá là một trong những dòng CPU có hiệu năng tốt, đáng mua nhất trong phân khúc giá rẻ hiện nay. Các dòng Core i3 thay đổi như thế nào qua từng thế hệ? Sự thay đổi này khiến hiệu năng của dòng CPU này thay đổi ra sao?
Bài viết dưới đây của speedcom.vn sẽ cho bạn biết đáp án!
MỤC LỤC
Bạn biết gì về các dòng Core i3 của Intel?
Core i3 là dòng CPU nào?
Core i3 là một trong những dòng CPU thuộc Core Inside được giới thiệu lần đầu vào năm 2011. Đây là dòng CPU có số lượng nhân ít, độ lớn bộ nhớ đệm, hiệu năng thấp nhất của Core i. Mức giá bán hiện nay của các dòng Core i3 nằm trong khoảng 2.500.000-3.000.000VNĐ.
Đặc trưng các mã sản phẩm thuộc Core i3
Các mã CPU thuộc dòng Core i3 của Intel thường có một số đặc trưng như:
- Số lượng nhân (lõi) ít: 2-4 nhân
- Bộ nhớ đệm Cache nhỏ: tối đa khoảng 8MB
- Xung nhịp nằm trong khoảng: 2.7GHz-3.9Ghz
Vì là dòng CPU giá rẻ nên Core i3 chỉ có thực hiện được một số tác vụ không quá “nặng nhọc”: làm việc văn phòng, giải trí, xem video, nghe nhạc, chơi một số tựa game cơ bản.
Lưu ý: Nếu có thêm VGA rời, một số mã sản phẩm đời cao của Core i3 vẫn có thể thực hiện những tác vụ liên quan đến chỉnh sửa hình ảnh hay chơi game đòi hỏi cấu hình tầm trung.
Sự thay đổi của các dòng Core i3 theo thời gian
Theo thời gian, Intel đã cải tiến khá nhiều điểm ở dòng CPU này để nó có thể hoạt động tốt hơn và nhất là đủ mạnh để cạnh tranh với AMD tại phân khúc giá rẻ:
Các dòng Core i3 đầu tiên
Các mã Core i3 đầu tiên gồm 2 nhân, 2 luồng được sản xuất trên tiến trình 32nm. Sang đến thế hệ thứ 2 – vi kiến trúc Sandy Bridge, Intel vẫn giữ nguyên tiến trình sản xuất này trên các sản phẩm của mình.
- Xung nhịp CPU: tối đa đạt 3.2GHz
- Bộ nhớ đệm Cache: 3-4MB
Core i3 thế hệ đầu được ưa chuộng sử dụng cho các bộ máy văn phòng.
Các dòng Core i3 được sản xuất trên tiến trình 22nm
Từ thế hệ thứ 3 trở đi Core i3 được sản xuất trên tiến trình 22nm vừa giúp tiết kiệm điện năng vừa giúp thu nhỏ kích thước CPU. Thế hệ thứ 3 (Ivy Bridge) và thế hệ thứ 4 (Haswell) số nhân và số luồng vẫn giữ ở mức 2/2. Core i3 thế hệ 3 hỗ trợ Socket LGA 1155, thế hệ 4 hỗ trợ Socket LGA 1150.
So với thế trước, Core i3 thế hệ thứ 3 và thứ 4 có thay đổi lớn nhất chính là đồ họa hỗ trợ tích hợp được nâng cấp:
→ Thế hệ thứ 3: Intel HD Graphics 2500, HD Graphics 4000
→ Thế hệ thứ 4: Intel HD Graphics 4400, Intel HD Graphics 4600
Ngoài ra, xung nhịp của các mã CPU mới cũng được cải thiện đáng kể, được nâng lên đến ngưỡng 3.8GHz.
CPU Core i3 thế hệ thứ 6 và thứ 7
Đến thế hệ thứ 6, công nghệ siêu phân luồng được Intel tích hợp trên các dòng Core i3 và đẩy số nhân/số luồng lên 2/4. Bộ nhớ đệm của CPU là 3MB, xung nhịp tối đa đạt 3.9GHz. Hỗ trợ Socket LGA 1151, có kèm đồ họa tích hợp Intel HD Graphics 530.
So với thế hệ thứ 6, thế hệ thứ 7 được cải thiện khá nhiều về mức xung nhịp, tối đa có thể đạt 4.00GHz, đồ họa tích hợp là Intel HD Graphics 630.
Thế hệ thứ 6 và thứ 7 của Core i3 được sản xuất trên tiến trình 14nm đem lại hiệu quả hoạt động cao hơn.
Lưu ý: Core i3 thế hệ thứ 5 chỉ sản xuất các mã dành cho điện thoại.
CPU Core i3 thế hệ thứ 8 và 9
Có thể nói, từ thế hệ thứ 8 của Core i3, Intel đã “bỏ khá nhiều công sức” để nâng cấp dòng CPU này:
- Số nhân (lõi) nâng lên 4
- Xung nhịp vượt qua ngưỡng 4.0GHz
- Bộ nhớ đệm được mở rộng: 6-8MB
Điểm hạn chế duy nhất chính là thế hệ thứ 8 lại không được trang bị công nghệ siêu phân luồng. Tuy nhiên những điểm cải tiến trên đã giúp Core i3 lấy lại vị thế dẫn đầu của mình trong phân khúc giá rẻ.
Đến thế hệ Core i3 thứ 9, Intel không bổ sung thêm nhiều điểm cải tiến mới cho các sản phẩm của mình, thay vào đó chỉ là cải thiện mức xung nhịp.
Các mã CPU Core i3 thế hệ 10
Core i3 thế hệ thứ 10 là một trong những dòng CPU đáng mua nhất ở phân khúc giá rẻ vì: số nhân/số luồng là 4/8. Thế hệ thứ 10 được trang bị công nghệ siêu phân luồng và Turbo Boost 2.0. Một số mã CPU khi ép xung, xung nhịp có thể đạt 4.6GHz – không thua kém gì so với Core i5, Core i7.
CPU thế hệ thứ 10 của Intel hỗ trợ Socket LGA 1200, đồ họa tích hợp Intel HD Graphics 630.
Như vậy, có thể thấy, Core i3 đã được nâng cấp khá nhiều giúp nó có thể cạnh tranh tốt với đối thủ của mình – AMD trong phân khúc giá rẻ.
Mong rằng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về dòng CPU giá rẻ này của Intel. Đừng quên thường xuyên theo dõi Website của Speedcom để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị khác!